"Quê hương miền Bắc là máu ruột của tôi"
Sinh ra ở Hà Nội nhưng hiện lập nghiệp tại TPHCM, chị Hồng Liễu, 36 tuổi, lòng như lửa đốt khi thấy cảnh hàng loạt các địa phương phía Bắc oằn mình chống chọi thiên tai sau khi siêu bão Yagi quét qua.
"Nóng ruột khi nghe thông tin bão lũ ở các nơi nên tôi quyết tâm lên đường với tâm thế giúp được bao nhiêu thì góp bấy nhiêu", vị khách đến từ TPHCM cho biết.
Đáp chuyến bay từ TPHCM xuống sân bay Nội Bài vào ngày 10/9, chị Liễu thuê một chiếc ô tô rồi tự lái lên thẳng Thái Nguyên.
Trước đó, thùng hàng cứu trợ gồm thực phẩm, thuốc men, áo phao, quần áo được người thân, bạn bè của chị Liễu gói ghém và gửi từ bến Bạch Đằng (TPHCM) đi theo đường hàng không ra điểm tập kết tại sân bay Nội Bài. Tại đây, chị nhờ người hỗ trợ nhận hàng rồi gửi theo xe tới các điểm dự định tới cứu trợ.
Do đi một mình nên chị Liễu chờ hàng cứu trợ từ TPHCM gửi ra theo đợt tới các điểm cứu trợ hoặc mua hàng hóa thiết yếu ngay tại địa phương nhằm kịp thời ứng cứu người dân gặp khó.
Dù hành trình chỉ có một mình lái xe, nhưng chuyến đi của vị khách ở TPHCM không cô đơn. Tới tất cả địa phương, chị cũng như những đoàn cứu trợ khác đều được chính quyền địa phương và người dân chào đón nồng nhiệt với tình cảm trân quý.
Chiều 11/9, khi tới thành phố Tuyên Quang vào thời điểm địa phương đang bị ngập nặng, sau khi mang đồ cứu trợ phát cho các hộ gia đình, chị cùng 4 người khác dùng bữa tại một nhà hàng thuộc phường Hưng Thành.
Bữa ăn vội vàng nhưng được chủ quán sắp xếp tươm tất, có gà xào măng, thịt rang cháy cạnh, đậu que xào, đĩa lạc rang, bát canh và cơm nóng.
Cả đoàn ăn uống no nê thậm chí còn thừa đồ không dùng hết, nhưng tới khi thanh toán bữa ăn chỉ hết 150.000 đồng. Chị cho biết, chủ quán nhất quyết chỉ lấy bằng đó tiền ngay cả khi khách muốn gửi thêm.
Hôm sau, nước lũ tại một số địa bàn ở thành phố Tuyên Quang bắt đầu rút khiến ô tô bị sa lầy. Vào gara trong thành phố để sửa, chị tiếp tục được nhân viên hỗ trợ miễn phí hoàn toàn.
"Tôi nói kiểu gì chủ gara cũng nhất quyết không nhận một đồng nào. Những khoảnh khắc ấy khiến tôi thực sự ấm lòng khi đang ở nơi xa lạ", chị bộc bạch.
Giống như nhiều đoàn cứu trợ, khi tới các địa phương đều được chính quyền hỗ trợ kịp thời, thậm chí lo cho cả chỗ ăn nghỉ miễn phí. Tuy nhiên trong lúc cấp bách và không muốn làm phiền, chị đều muốn tự mình lo liệu trong khả năng có thể.
Với chị Liễu, đây là chuyến đi để bản thân cảm nhận rõ nhất tình đoàn kết, lòng yêu thương đồng bào. Có những điểm đến nước vẫn ngập sâu, chị được cán bộ xã mời ăn thân tình dù bữa cơm ngày lụt chẳng có gì ngoài mì tôm chan nước sôi.
"Vào ngày mưa lớn gây sạt lở nghiêm trọng, người dân ở xã Yên Thành (Hà Giang) được chính quyền nhanh chóng đưa tới nhà văn hóa cộng đồng sắp xếp chỗ ăn ở để người dân không bị thiếu lương thực. Sau đó, các đoàn từ thiện mới bắt đầu tới hỗ trợ.
Và ngay cả trong cùng một địa phương, người dân cũng hỗ trợ nhau hết lòng. Những nhà bị sạt lở đều được mời sang nhà hàng xóm ở nhờ", chị chia sẻ những "điều mắt thấy tai nghe" trong hành trình đặc biệt của mình.
"Khi nào còn tiền trong tài khoản, tôi vẫn đi tiếp"
Từ ngày đầu đi cứu trợ, đến nay chị Liễu nhận được 4 chuyến hàng gửi từ TPHCM ra miền Bắc. Hành trình của chị không đơn độc bởi có rất nhiều người cùng hỗ trợ, giúp sức. Các chuyến hàng đều đi theo đường hàng không và có người nhận giúp, giao gửi tới nơi chị đang đi cứu trợ.
"Đó là sự góp sức của rất đông các cá nhân và tập thể. Thậm chí có những người tôi còn chưa biết họ là ai", chị nói.
Khi nghỉ tại một khách sạn thuộc phân khúc cấp cao nằm trên đường Nguyễn Trãi ở thành phố Hà Giang, vị khách bất ngờ khi được chủ khách sạn hỗ trợ giá phòng ở mức "rẻ như phòng bình dân".
Thời điểm chị tới Hà Giang, một số nơi cuộc sống bà con đã dần ổn định nên có những khu vực từ chối nhận hàng cứu trợ vì đã tạm đủ. Họ nói với chị muốn nhường những phần quà dành cho xã Yên Minh, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì, nơi cuộc sống của người dân vẫn đang vật lộn với sạt lở đất.
Dù cơn lũ đã qua, các địa phương bị ngập gần như quay lại cuộc sống bình thường nhưng một số địa phương như Hoàng Su Phì vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhiều hộ gia đình gặp sạt lở đất nên mất nhà. Đó cũng là lý do khiến chị chưa có ý định quay lại Hà Nội để trở về nhà.
"Tôi chỉ để ý xem tài khoản còn bao nhiêu tiền sẽ rút tiếp để góp sức cứu trợ. Cả tuần nay tôi cũng chưa có cuộc điện thoại nào để gặp được con vì đang ở vùng cao sóng yếu. Mặc dù vậy với tôi, những gì trao đi chỉ là góp một phần rất nhỏ và được nhận lại vô vàn tình cảm, sự yêu thương của đồng bào mình", chị nói.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn