Mới đây, một đoạn video ghi lại cảnh nhóm du khách nước ngoài trải nghiệm tắm và chăm sóc trâu được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, thu hút hàng nghìn lượt thích và bình luận.
Trong video, một người dùng gáo nhựa cẩn thận làm sạch lớp bùn bám trên thân chú trâu, trong khi những vị khách khác nhẹ nhàng sử dụng dụng cụ massage cho trâu.
Khoảnh khắc này cho thấy sức hút đặc biệt của cuộc sống thôn quê Việt Nam đối với những vị khách phương xa.
Nhiều cư dân mạng bày tỏ sự ngạc nhiên trước hình ảnh nhóm du khách nước ngoài hào hứng, cười đùa vui vẻ khi tham gia hoạt động tắm trâu. Một số ý kiến cho rằng, bên cạnh các dịch vụ du lịch cao cấp, những tour khám phá đời sống nông thôn Việt Nam có tiềm năng lớn nhờ sự độc đáo và mới mẻ.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chị Vũ Thị Huyền - Quản lý điểm du lịch trải nghiệm Hang Trâu ở Hoa Lư, Ninh Bình - xác nhận đoạn video do một hướng dẫn viên quay trong khi khách tham gia các hoạt động ở khu du lịch.
Theo chị Huyền, các hoạt động trải nghiệm như: Tắm cho trâu, úp nơm bắt cá, cấy lúa… diễn ra hàng ngày, thu hút đông đảo du khách quốc tế. Hoạt động này đã triển khai hơn một năm, nhận được phản hồi tích cực từ khách du lịch.
"Chúng tôi nhận thấy du khách nước ngoài đến Ninh Bình thường tham quan các điểm nổi tiếng như Bái Đính - Tràng An hay cố đô Hoa Lư, chưa có cơ hội trải nghiệm sâu sắc cuộc sống của người dân địa phương. Vì vậy, chúng tôi đưa vào các hoạt động này, mang đến cho họ những trải nghiệm thú vị, độc đáo mà nhiều nơi khác không có.
Khách nước ngoài yêu động vật, họ vuốt ve và thực hiện các động tác một cách nhẹ nhàng như muốn cảm ơn chú trâu đã giúp bà con nông dân canh tác," chị Huyền chia sẻ.
Hiện tại, điểm du lịch cung cấp hai loại hình tour cho du khách: Tour ghép với mức phí 75.000 đồng/người, du khách tự trải nghiệm một số hoạt động dưới sự hướng dẫn của nhân viên và tour trọn gói có hướng dẫn viên với giá khoảng 1,1 triệu đồng/người với hơn 10 trải nghiệm kèm ăn uống.
Khách du lịch đến từ Anh, Mỹ, Đức... thường hào hứng trải nghiệm công việc đồng áng như: Cho vịt ăn, nhổ mạ, cấy lúa, chăn dắt và tắm cho trâu... Trong khi đó, du khách Australia hay Israel - vốn quen thuộc với hình ảnh đồng ruộng và trâu bò nhờ sở hữu các trang trại lớn - tỏ ra thích thú hơn với hoạt động úp nơm bắt cá.
Theo chị Huyền, đa số khách tham gia hoạt động làm nông dân trong khoảng 20-30 tuổi do họ thích các trải nghiệm thực tế, còn khách nước ngoài U60 thích phong cách nghỉ dưỡng hơn.
Điểm du lịch trải nghiệm Hang Trâu nằm giữa những ngọn núi và cánh đồng bát ngát ở Ninh Bình. Sau khi được cải tạo, nơi đây được chia thành nhiều khu vực khác nhau, phục vụ các hoạt động như cho vịt ăn, bắt cua, cấy lúa, gieo mạ, câu cá, bắt cá, hay trồng hoa sen.
"Những hoạt động này đặc biệt thu hút khách nước ngoài do họ thường chỉ nhìn hình ảnh trên sách báo hoặc Internet, chưa bao giờ trực tiếp lội xuống ruộng, trồng lúa hay tắm cho trâu.
Khách muốn tự mình trải nghiệm để hiểu rõ hơn về cuộc sống của người nông dân, thay vì chỉ quan sát hoặc xem qua video", chị Huyền chia sẻ.
Sau khi được chào đón ở cổng, du khách được phát công cụ lao động, mặc áo nâu sòng như những nông dân thực thụ. Men theo con đường uốn lượn bên cánh đồng, khách được nghe giới thiệu về lịch sử và văn hóa nông nghiệp, chiêm ngưỡng các bức tranh về cuộc sống nông thôn.
Tiếp đó, khách cho vịt ăn, tự tay câu cá bằng cần, úp cá bằng nơm, tham quan hang động và rừng tre. Sau vài tiếng, từng khách sẽ thực hành gieo mạ, lội ruộng cấy lúa, tắm thác, cưỡi trâu, tắm cho trâu. Sau khi tham gia các hoạt động ngoài trời, du khách được tự tay nấu các món ăn của Việt Nam như: Làm nem rán, bánh cuốn...
Nhiều du khách lần đầu được chạm vào trâu, chân tay lấm lem bùn khi cấy lúa... nhưng họ không tỏ ra e ngại. Tiếng nói cười và cảm giác thích thú đưa du khách gần gũi và hiểu hơn về văn hóa Việt Nam.
Hình thức trải nghiệm cuộc sống này đang nở rộ thời gian gần đây, thu hút rất đông khách. Đây hứa hẹn sẽ là hình thức du lịch được nhiều khách nước ngoài lựa chọn, bên cạnh thăm các di tích lịch sử hoặc các danh lam thắng cảnh nổi tiếng.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn