Nằm cách mũi Nghinh Phong và chân núi Nhỏ khoảng 200m, đảo Hòn Bà (thuộc khu vực Bãi Sau, TP Vũng Tàu) là điểm đến hút khách nhờ có vẻ đẹp hoang sơ, mang những giá trị tâm linh và lịch sử.
Trên đảo có một ngôi miếu cùng tên, thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương tới dâng hương, hành lễ vào các dịp Rằm tháng Giêng, tháng 4, tháng 7 và tháng 10 âm lịch.
Theo truyền thuyết, miếu Hòn Bà được xây dựng từ thế kỷ 19 để thờ Thủy Long Thần nữ – người giữ vai trò điều hòa khí hậu giúp ngư dân yên ổn làm ăn, ra khơi đánh cá được thuận lợi. Bởi vậy, miếu còn có tên là miếu Bà.
Các hạng mục thờ cúng trong ngôi miếu đã nhiều lần được trùng tu, nâng cấp, tôn tạo trở thành nơi thờ phụng khang trang, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân địa phương và du khách.
Nhờ có vị trí địa lý đặc biệt, nằm lưng chừng giữa một hòn đảo nhỏ nên miếu Hòn Bà còn được xếp vào danh sách những ngôi miếu có vị trí đặc biệt nhất ở Việt Nam.
Không chỉ thu hút du khách tới hành hương, dâng lễ tại miếu, đảo Hòn Bà còn trở nên đặc biệt bởi con đường đá nằm ẩn mình dưới biển, nối giữa đảo với đất liền, chỉ xuất hiện khi thủy triều xuống.
Du khách phải canh "thời gian vàng", theo dõi từng ngày để biết giờ nước rút. Đặc biệt trong hai ngày 15, 16 âm lịch hàng tháng, nước biển rút sâu nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách trải nghiệm đi bộ qua con đường này.
Tuy nhiên, đường đi khá trơn trượt, nhiều sỏi đá và mảnh vỏ hàu, du khách cần lựa chọn giày dép phù hợp để thuận tiện di chuyển, tránh bị thương.
Những ngày nước biển dâng cao, du khách có thể thuê thuyền hoặc xuồng máy để di chuyển tới đảo. Tuy nhiên, không thể đi thẳng từ đất liền ra đảo mà phải lượn vòng ra ngoài biển rồi cập bến phía đông.
Theo Cổng thông tin điện tử Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, miếu Hòn Bà nằm ở độ cao khoảng 4m so với mực nước biển. Bên dưới còn lưu giữ những di tích lịch sử chiến tranh với một tầng hầm dài 6m, rộng 3m - trước kia từng là nơi tổ chức các cuộc họp bí mật của cách mạng.
Mỗi năm, miếu Hòn Bà tổ chức cúng 4 lễ, dựa theo con nước, gồm: tháng Giêng, tháng 4, tháng 7 và tháng 10 (âm lịch). Hằng năm, vào ngày 16/10 âm lịch, Ban quản lý di tích đình Thắng Tam sẽ tổ chức lễ cúng nghinh thỉnh Bà từ miếu Hòn Bà và miếu Bà Ngũ Hành để tế lễ.
Ông Lê Quang Dương, Phó Trưởng ban Quản lý di tích đình Thắng Tam - đơn vị điều hành, quản lý việc cúng tế ở miếu Hòn Bà cho biết, lãnh đạo TP Vũng Tàu đã họp với Ban quản lý đình Thắng Tam về chủ trương, kế hoạch xây dựng cầu ra Hòn Bà để tạo điều kiện cho người dân và du khách ai cũng có thể đến với Hòn Bà.
Song, con đường độc đáo dẫn đến Hòn Bà vẫn sẽ giữ nguyên, đảm bảo nét đẹp tự nhiên vốn có của điểm đến này.
Nếu dự định ghé thăm Hòn Bà, du khách cần theo dõi dự báo thời tiết và lịch thủy triều. Khi đi bộ qua con đường đá độc đáo để tới đây, du khách nên đợi khi nước rút hẳn, đường đi lộ rõ mới di chuyển; Lựa chọn giày có độ ma sát cao để đảm bảo an toàn; Cân đối thời gian tham quan hợp lý để trở lại đất liền trước khi thủy triều lên;…
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn