Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ phát biểu tại cuộc họp.
Diễn biến tình hình
Theo báo cáo của Sở Y tế, tính đến 6 giờ 00 ngày 14-7-2021, số ca mắc Covid-19 phát hiện và đang điều trị tỉnh là 98 (F0). Trong đó, có 97 ca được chuyển điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh; 1 ca chuyển điều trị tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu.
Theo nhận định của ngành chuyên môn, tình hình dịch Covid-19 trong nước diễn biến phức tạp, một số tỉnh, thành trong khu vực thực hiện Chỉ thị số 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ, hạn chế sự giao thương, đi lại của người dân. Tuy nhiên, sự di chuyển trong tỉnh vẫn cao. Các cơ sở y tế tăng cường thực hiện test nhanh SARS-CoV-2 tầm soát và tại các chốt kiểm dịch; hoạt động truy vết F1, F2 đã phát hiện thêm nhiều F0. Các F0 đầu tiên trong cộng đồng có yếu tố dịch tễ liên quan đến chợ đầu mối Bình Điền (TP. Hồ Chí Minh) và lần lượt F1 tiếp xúc chuyển thành F0. Trong bối cảnh số F0 truy vết trong cộng đồng có lịch trình di chuyển giữa các huyện, trong thời gian tới, các trường hợp F0 có khả năng tăng và không tránh khỏi nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tại các huyện chưa có ca nhiễm.
Lực lượng chuyên môn đã duy trì công tác, phát hiện, giám sát, theo dõi sức khỏe những người đến từ vùng dịch, các nước có dịch, các trường hợp tiếp xúc gần, thông tin liên tục các ca nghi ngờ, các ca mắc mới; tiếp tục theo dõi sát tình hình sức khỏe các trường hợp đang cách ly. Tăng cường giám sát các trường hợp chùm ca bệnh có cùng các triệu chứng sốt, ho, khó thở… Giám sát chặt chẽ qua Hệ thống phần mềm Báo cáo bệnh truyền nhiễm, qua giám sát dựa vào sự kiện (EBS) tại các cơ sở khám chữa bệnh, ở cộng đồng. Đồng thời, tăng cường truy vết các đối tượng F1, F2, F3 phản hồi về địa phương, tỉnh bạn, đồng thời nhận phản hồi dịch từ các tỉnh lân cận và Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh.
Tỉnh cũng đã chỉ đạo thực hiện xét nghiệm test nhanh, xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 các trường hợp nghi ngờ, về từ vùng dịch, các trường hợp cách ly và sau cách ly theo quy định. Tiếp tục xác minh các thông tin qua khai báo y tế trên hệ thống quản lý thông tin dịch Covid-19 (ứng dụng NCOVI, tokhaiyte.vn…). Thực hiện công tác giám sát phòng chống dịch Covid-19 tại tuyến huyện, thành phố. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại nơi làm việc, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp. Tiếp tục thường trực phòng chống dịch 24/24 giờ; tăng cường hoạt động của đội đáp ứng nhanh hỗ trợ các địa phương xử lý ổ dịch. Tiếp tục tăng cường tuyên truyền phòng chống Covid-19 trên các phương tiện truyền thông đại chúng…
Các thành viên BCĐ đã có đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền; công tác quản lý, kiểm tra tại các khu chợ dân sinh (nhất là việc đeo khẩu trang, sát khuẩn…), lực lượng tài xế… Tính toán đến việc xử lý thủ tục hành chính, làm việc bằng hình thức trực tuyến, nhân viên có thể sắp xếp làm việc tại nhà (nếu có thể đảm bảo) đối với tất cả các cơ quan, đơn vị Nhà nước. Phát huy đường dây nóng để tiếp cận nguồn thông tin từ người dân trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Vấn đề đảm bảo vệ sinh ở các khu cách ly. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân, nâng cao ý thức chấp hành thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Việc quản lý hoạt động của các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp. Sở Công Thương thông tin nguồn hàng đảm bảo, tuy nhiên một số nơi có dấu hiệu thu mua, tích trữ hàng hóa; do đó cần tăng cường tuyên truyền về lĩnh vực này…
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Theo tinh thần chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ, cần phối hợp chặt chẽ trong BCĐ, trong hệ thống chính trị. Cán bộ cấp tỉnh nắm sát đến cấp xã; cấp huyện nắm đến từng ấp, khu phố; cấp xã nắm đến từng hộ gia đình. Kế đến áp dụng tốt “5K” cùng với kế hoạch mở rộng tiêm phòng vắc-xin cho người dân. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức người dân về thực hiện tốt biện pháp “5K” phòng dịch, để bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng. Thực hiện tốt công tác phát hiện kịp thời, khoanh vùng, dập dịch. Thực hiện việc chăm sóc tốt người bệnh, tuyên truyền ứng xử nhân văn với người bệnh. Làm tốt công tác “4 tại chỗ”; đánh giá, nắm kỹ tình hình, dự báo tình hình; ưu tiên công tác dự phòng, đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe người dân. Xem xét việc áp dụng thực hiện Chỉ thị số 15, 16.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy lùi dịch bệnh. Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong phòng chống dịch; biểu dương những cá nhân, địa phương làm tốt. Lưu ý chính sách an sinh xã hội cho người dân, doanh nghiệp. Các đơn vị xây dựng phương án tham mưu cho BCĐ về bố trí, phân tách các lực lượng, kết nối hệ thống thông tin trong làm việc (50% làm việc trực tiếp, 50% làm việc trực tuyến từ xa và hoán đổi). Phổ biến tuyên truyền mạnh mẽ về dịch vụ công trực tuyến, sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến… đến bà con nhân dân, đến các cộng đồng doanh nghiệp. Tạo thuận lợi cho người dân, tuy nhiên, cần chú ý quan tâm đến công tác đảm bảo an ninh, bảo mật cơ sở dữ liệu.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam đã nhận định, tình hình dịch Covid-19 thời gian tới vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, trong đó, lượng người từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh về Bến Tre sẽ còn nhiều. Trước hết là công tác tuyên truyền cho người dân hiểu về việc thực hiện các điều kiện phòng chống dịch Covid-19 trong thực hiện Chỉ thị số 15, 16 để hiểu và đồng thuận thực hiện cho tốt. Đoàn viên, hội viên trong các đoàn thể phải nòng cốt, làm gương trong thực hiện. Việc tiếp tục test nhanh để truy tìm những người bệnh là điều rất cần thiết (lực lượng tài xế, lực lượng khu phong tỏa, test tại chỗ, các khu chợ…). Tiếp tục truy vết cho được, quản lý chặt chẽ các ca F0, F1, đây là việc rất quan trọng.
Phó giám đốc Sở Y tế Phạm Quốc Tuấn phát biểu tại cuộc họp.
Thống nhất với Sở Y tế chuyển đổi công năng Bệnh viện Trần Văn An làm bệnh viện dã chiến thứ 2 của tỉnh (500 giường) cùng một số địa điểm dã chiến dự kiến khác; điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo phục vụ cách ly điều trị cho khoảng 1 ngàn người và có sự chuẩn bị xa hơn. Cần quan tâm nguồn lực con người, trang thiết bị y tế để sẵn sàng khi cần đến. Các địa phương phát huy chọn các trường học đủ điều kiện để phục vụ cách ly F1 (chú ý đảm bảo vệ sinh ở khu cách ly). Khuyến khích các huyện chọn điểm để cách ly tại nhà với đủ điều kiện (đã thí điểm tại xã Tân Thủy, huyện Ba Tri). Quản lý chặt chẽ đối tượng cách ly tại nhà; phát huy đội ngũ y tế cộng đồng, phát huy vai trò cơ sở, lấy cơ sở làm pháo đài phòng chống dịch Covid-19.
Ba Tri và Bình Đại giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg
Do diễn biến tình hình dịch COvid-19, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngoc Tam thống nhất 2 huyện Ba Tri và Bình Đại thực hiện toàn huyện về áp dụng giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. Riêng TP. Bến Tre đề nghị áp dụng theo Chỉ thị số 15 toàn thành phố; mặc dù TP. Bến Tre có ca dương tính ít, nhưng yếu tố phức tạp, lây lan là rất cao. Áp dụng thời gian bắt đầu cho 3 đơn vị vừa nêu là từ 00 giờ, ngày 16-7-2021. Khi triển khai thì phải đảm bảo thực hiện nghiêm túc để đạt hiệu quả. Thống nhất đối với các bệnh nhân F1 đặc biệt như: tai biến, bệnh nặng, phụ nữ mang thai cho cách ly tại nhà có quản lý chặt chẽ...
Thực hiện tốt 3 trạm kiểm soát: Đình Khao, Cổ Chiên, Rạch Miễu, không để lây lan khu vực này và không để ùn ứ xe. Xem lại việc phân công thành viên của BCĐ cho phù hợp; giao cho các thành viên BCĐ tiếp tục hỗ trợ phụ trách các huyện, thành phố để góp phần phòng chống dịch cho tốt. Đảm bảo an toàn các cơ sở y tế, từ bệnh viện đến trạm y tế. Đảm bảo lương thực thực phẩm cho người dân. Đồng ý sẽ xây dựng đường dây nóng của Văn phòng UBND tỉnh và Sở Y tế. Không nên kỳ thị người bệnh, người từ ngoài tỉnh, nhất là TP. Hồ Chí Minh về. Phát động trong doanh nghiệp áp dụng “4 tại chỗ” (sản xuất, ăn, nghỉ và phòng chống dịch); nên test cho các công nhân. Hướng đến thành lập Ban Chỉ huy, Tiểu ban hậu cần phục vụ công tác phòng chống dịch theo yêu cầu tình hình.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn