Di tích Đền thờ Ân sư tiền vãng được công nhận Di tích Lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Di tích Miếu tiên sư tôn vinh giá trị văn hóa, truyền thống “tôn sư trọng đạo”, đối với các thế hệ nhà giáo tiền bối, nhà giáo liệt sĩ. Theo nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vũ Hồng Thanh, Miếu tiên sư do thầy Nguyễn Văn Trinh (1901-1975) là hiệu trưởng đầu tiên của Trường Trung học Công lập Kiến Hòa (tiền thân trường THPT Nguyễn Đình Chiểu ngày nay) đã quyên góp xây dựng từ năm 1956.
Năm 1969 được xây mới lại, đến năm 1999, Miếu tiên sư được UBND tỉnh đầu tư nâng cấp, lát gạch nền. Phía ngoài, hai bên trụ cổng có hai câu đối “Ân sư giáo hóa tơ tầm vướng/ Nghĩa đệ phụng từ ánh nến cao”. Bên trong, có một bức biển gỗ rộng được đặt ngang chính diện là bảng lưu danh 350 nhà giáo, trong đó, Nguyễn Đình Chiểu là tên được đặt ngay giữa đỉnh và có kích thước lớn nhất. Bên cạnh là tấm biển nhỏ lưu danh 16 nhà giáo liệt sĩ thời chống Mỹ cứu nước.
Di tích thứ 2 “Sự kiện thảm sát 17 học sinh (HS) do máy bay Mỹ tiến hành năm 1964”, tọa lạc tại xã Tân Bình, huyện Mỏ Cày Bắc. Theo tài liệu Bến Tre - Đất và Người do Liên hiệp Các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bến Tre ấn hành năm 2020, sự kiện xảy ra vào ngày 13-7-1964. Khi các em HS trường cấp I Giồng Keo tại ấp Tân Đức A, xã Tân Bình đang ngồi học, bất ngờ có 3 chiếc trực thăng chiến đấu xuất phát từ Chi khu Mỏ Cày (nay là Mỏ Cày Nam) đến quần đảo khu vực trường rồi xả hàng loạt đạn đại liên vào khu vực trường làm cho 17 HS chết và 28 HS bị thương. Phút chốc, cuộc thảm sát đẫm máu của Mỹ - ngụy đã trùm đau thương, tang tóc lên làng quê Tân Đức khi ấy. Di tích mang ý nghĩa nhắc nhớ một sự kiện lịch sử trong chiến tranh, bồi đắp lòng yêu nước và yêu chuộng hòa bình.
Theo thông tin từ Ban Quản lý di tích tỉnh, ngành chuyên môn sẽ trao quyết định và sẽ tiến hành triển khai công bố tại địa phương và trong toàn tỉnh.
Tin, ảnh: Ánh Nguyệt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn