VỀ CHỢ LÁCH XỨ SỞ CÂY LÀNH TRÁI NGỌT

Chủ nhật - 14/05/2017 09:25
Huyện Chợ Lách (Bến Tre) là xứ sở của những vườn trái cây giống ngon như sầu riêng cơm vàng hạt lép, măng cụt, bòn bon, bưởi hồng đường, bưởi da xanh, xoài, mận.. và đặc biệt, đây là xứ sản xuất cây giống nổi tiếng miền Nam cả trăm năm qua. Bởi thế, cứ vào Tết Đoan Ngọ, 5 tháng 5 âm lịch người dân từ khắp nơi kéo về Chợ Lách đi vườn, tham gia “lễ hội trái cây” do huyện tổ chức.
VỀ CHỢ LÁCH XỨ SỞ CÂY LÀNH TRÁI NGỌT

HỘI NHÀ VƯỜN

Từ ngày hội dân gian, tỉnh Bến Tre đã tổ chức thành Lễ hội cây, trái ngon vào dịp mùng 5 tháng 5 hàng năm tại Chợ Lách để giới thiệu về một xứ sở cây lành trái ngọt. Hầu hết nhà vườn có trái ngon, trái to và sạch đều dự thi trái ngon an toàn hoặc đấu xảo, mong đoạt được danh hiệu cao nhất. Du khách đến Chợ Lách thưởng thức được đúng trái ngon mang từ nhà vườn ra mỗi ngày hoặc có thể vào vườn tự tay hái trái với sự hướng dẫn của nhà vườn.


Hội cây, trái ngon ở Chợ Lách năm nay diễn ra trong 3 ngày, từ 22/6 đến 24/6/2012. Nếu như những năm trước, Lễ hội tập trung quảng bá cho trái cây, thì năm nay hai lĩnh vực thế mạnh của Chợ Lách, đó là nghề uốn kiểng thú và lai tạo cây giống, sẽ được giới thiệu đến công chúng gần xa. Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Hội sinh vật cảnh tỉnh Bến Tre tổ chức hội thi hoa kiểng, trình diễn nghệ thuật uốn kiểng hóa thú của các nghệ nhân Chợ Lách; cho các nhà vườn thi bàn tay vàng ghép mắt cây giống; thi trình bày mâm ngũ quả. Du khách xem những cuộc thi trình diễn này, sau đó có thể đến thăm các vườn kiểng, khu sản xuất cây giống để hiểu thêm vì sao năm 2005, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đã xác lập “Huyện Chợ Lách là nơi cung cấp giống cây ăn quả do người dân tự lai tạo lớn nhất Việt Nam”.

ĐI CỒN ĂN ỐC GẠO

Món ăn độc đáo của người dân Chợ Lách đãi khách vào dịp Tết Đoan Ngọ là bánh xèo ốc gạo và chắc chắn ai cũng thích thú với món dân dã này. Nói là món dân dã nhưng nó quý vì không phải mùa nào cũng có ốc gạo và cả vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ có cồn Phú Đa của Chợ Lách là nơi được thiên nhiên ban cho nguồn thủy sản này với trữ lượng lớn nhất, mỗi năm có thể khai thác được 24 tấn. Ốc gạo thường có từ tháng 4 đến tháng 7 âm lịch, nhưng ốc bắt đầu “mập”, ngon từ đầu tháng 5 âm lịch. Ngoài món bánh xèo, ốc gạo còn được chế biến thành nhiều món lạ miệng khác như: ốc gạo luộc chấm với nước mắm xả; ốc gạo cuốn bánh tráng với dừa nạo; gỏi ốc gạo…, ăn rất tuyệt. Lễ hội cây- trái ngon năm nay có thêm phần thi nấu ăn, trong đó không thể thiếu món ăn được chế biến từ ốc gạo.

TRẨY HỘI TẮM BÙN Ở CỒN

Đi chơi Tết mùng 5 ở Chợ Lách mà không ra cồn Tiên coi tắm bùn là thiếu đi niềm thú vị. Cồn Tiên nằm trên sông Hàm Luông, thuộc huyện Châu Thành, nhưng giáp huyện Chợ Lách. Đây là một vùng đất mới, thấp hơn mực nước trung bình nên người dân phải đắp bờ bao chung quanh ngăn nước để có thể định cư sống với nghề làm vườn. Bên ngoài đất cồn tiếp tục tích tụ, mỗi khi triều xuống lộ ra một bãi cát rộng lớn.

Trong vòng mười năm nay, cứ đến ngày mùng 5- 5 âm lịch, có đến 4.000 – 5.000 người từ Vũng Liêm, Măng Thít (tỉnh Vĩnh Long), từ các huyện khác trong tỉnh Bến Tre đi ghe đổ về cồn Tiên. Mấy năm gần đây, dân từ Tiền Giang cũng qua tụ hội. Tất cả những người du chơi cồn Tiên đều bằng ghe thuyền. Có ghe lớn chở khách, có thuyền nhỏ chở hàng từ khắp nơi được huy động về làm náo động cả cồn. Có ghe lớn còn mang theo cả trống, đàn ra hội cồn chơi văn nghệ.

Ngoài bãi cát giữa sông, thanh niên thiếu nữ tắm sông, đùa giỡn, hát ca dưới sông như trên sân khấu nước. Họ gọi đây là Vũng Tàu 2. Những thanh niên hiếu động chở đầy bùn trên ghe,họ trét bùn đầy người như đi tắn bùn, lấy đất bùn ném vào nhau mà không ai phiền hà. Mọi người vui chơi, tắm sông, ăn uống, đến nước lớn, khi bãi cát bị dìm trong nước sông thì ai nấy trở về. Từ năm 2010, đến nay, Cồn Tiên được sử dụng làm nơi nuôi cá tra, lễ hội tắm bùn được người dân chuyển về cồn Phú Bình, một cồm mới thuộc xã Vĩnh Bình.

Đi chơi Tết Đoan Ngọ ở Chợ Lách quả là thú vị, được nhiều điều hay, lạ của tục ăn tết nửa năm ở xứ Cồn. Tỉnh Bến Tre đang xúc tiến biến hoạt động này thành một thương hiệu cho du lịch địa phương.

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

[X]
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây